Nhận định Bầu_cử_ở_Việt_Nam

Xung quanh việc bầu cử ở Việt Nam, có nhiều nhận định khác nhau về vấn đề này

Theo các nhà chức trách hữu quan

Nhận định về bầu cử ở Việt Nam, các nhà chức trách hữu quan đều có những đánh giá hết sức lạc quan về việc bầu cử, dựa trên những con số thống kê, báo cáo tổng kết về kết quả bầu cử các kỳ. Theo đó, kết quả bầu cử được công bố được cho là khả quan với số lượng cử tri đi bầu luôn đạt hơn 99%.

Ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, theo công bố thì tổng số cử tri đi bầu cử là 56.252.543 người trên tổng số 56.467.532 cử tri của cả nước, đạt 99,64%.

Chưa ghi nhận trường hợp gian lận trong bỏ phiếu. Tổng số phiếu bầu: 56.252.543 phiếu. Số phiếu hợp lệ: 55.802.444 phiếu (99,20%). Số phiếu không hợp lệ: 450.099 phiếu (0,80%).[83]

Cơ cấu đại biểu được bầu cũng được cho là tích cực với Tỷ lệ đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân là nữ giới chiếm tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tiếp tăng trong 3 khoá liền và đạt 27,31% ở khoá XI, đứng thứ nhất ở khu vực Châu á và thứ 9 trong 135 nước trong Liên minh Quốc hội thế giới.[84] Trong kỳ bẩu cử Quốc hội khóa XII, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ 127 người (chiếm 25,76%), dân tộc thiểu số 87 người (17,65%)...

Đối với các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cũng có những số liệu tương tự như: Kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009 Tổng số cử tri cả nước: 51.551.349 người Số đại biểu được bầu: 3.869 (cấp tỉnh), 23.554 (cấp huyện), 284.507(cấp xã). Số người được giới thiệu ứng cử: 6.052 (cấp tỉnh), 36.281 (cấp huyện), 441.856 (cấp xã). Số người tự ứng cử: 77 (cấp tỉnh), 137 (cấp huyện), 851 (cấp xã). Tỷ lệ ứng cử viên nữ: 32,4% (cấp tỉnh), 30,6% (cấp huyện), 26.4% (cấp xã). Tỷ lệ ứng cử viên ngoài Đảng: 24.3% (cấp tỉnh), 25.9% (cấp huyện), 42% (cấp xã). Số khu vực bỏ phiếu: 87.239.

Với những số liệu đó, nhà cầm quyền cho rằng kết quả bầu cử đã phản ánh "ý nguyện và sức mạnh toàn dân", thể hiện qua việc số cử tri đi bầu cao hơn, kể cả những vùng miền có khó khăn do địa bàn và thời tiết, "không khí dân chủ cao hơn", trong ước muốn xây dựng một Quốc hội mạnh hơn, đủ sức quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Trong ngày bầu cử, "đất trời nước Việt vui cùng lòng người". Trong không khí dân chủ, trách nhiệm và phấn khởi, mỗi người dân như "thấy rõ hơn khát vọng của mình nơi khát vọng dân tộc", và cùng đó, thấy rõ hơn những đòi hỏi cao trong sự lựa chọn trước khi gửi lá phiếu bầu vào "niềm hy vọng và tin tưởng lớn".

Các nhà chức trách đều khẳng định các cuộc bầu cử đề diễn ra thành công tốt đẹp, kết quả cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng, là sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các cuộc bầu cử đều đảm yêu cầu dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.[85]

Hòa trong niềm vui chung khi được trúng cử, đại biểu Nông Ðức Mạnh phát biểu: "Tôi hy vọng Quốc hội khóa XII sẽ là Quốc hội của những đại biểu có đức, có tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng một Quốc hội thực sự vững vàng, đưa Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn".[86]

Phương tiện truyền thông trong nước

Trong mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các phương tiện truyền thông trong nước đề tham gia tích cực vào quá trình đưa tin về diễn biến và kết quả bầu cử.

Trang nhất của các tờ báo ở Việt Nam như báo Nhân dân, Người Lao động, Lao động, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Pháp luật.... cho đến các tờ báo liên về quảng cáo, thể thao... đều đồng loạt đưa tin, bài, phóng sự, ảnh về cuộc bầu cử.

Các phương tiện truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói dân dân Việt Nam, các đài truyền hình, đài tiếng nói ở từng địa phương đồng loạt đưa tin, cập nhật thông tin về bầu cử. phản ánh quang cảnh "tấp nập, đông vui" tại khắp các điểm bỏ phiếu.[87]

Các Trang thông tin điện tử cũng đồng loạt đăng tải các hình ảnh, bài viết, tin tức, bình luận, nhận định của công chúng đối với các cuộc bầu cử. Như VietNamNet[88][89] Lao động[90]....

Nhìn chung, các phương tiện truyền thông đề tuyên truyền, cổ vũ cho các kỳ đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân. Tất cả đều nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, sự nhiệt tình tham gia bầu cử của nhân dân.

Một số thuật ngữ thường nhắc đến khi đưa tin về bầu cử là: bầu cử là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, "Ngày hội lớn của quyền làm chủ đất nước". Không khí bầu cử luôn "hân hoan", "phấn khởi", "tưng bừng"….

Nhưng cũng có một số phương tiện truyền thông có ý kiến cho rằng, với sự băn khoăn của xã hội đối với phẩm chất năng lực của nhiều đại biểu các cấp như hiện nay, không thể nói rằng chất lượng các cuộc bầu cử đó không có vấn đề, không trực tiếp thì gián tiếp,[91] và đã đến lúc cần thiết nên tiến hành tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tiếp công khai giữa các ứng cử viên với nhân dân để từ đó người dân có thêm điều kiện lựa chọn khách quan sáng suốt, chính xác nhất những người mà mình sẽ bầu vào cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước.[92]

Phương tiện truyền thông quốc tế

Bầu cử ở Việt Nam được sự quan tâm khá sát sao của giới truyền thông quốc tế. Như cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII được nhiều phương tiện truyền thông lớn trên thế giới đưa tin.[93][94]

Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản đã dành thời lượng 3 phút để đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội của Việt Nam. Kênh truyền hình NHK cũng sẽ dành thời gian 30 phút để nói về sự kiện này.

Đưa tin về cuộc bầu cử, hãng Reuters nhận xét: chính sách đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở cửa cho nên kinh tế, cho cải tổ thị trường và cạnh tranh, giúp cải thiện mức sống của người dân.[87]

Bên cạnh việc đưa tin, bài về diễn biến và kết quả bầu cử, một số phương tiện truyền thông quốc tế cũng đã có những chỉ trích về bầu cử ở Việt Nam.

Theo phóng viên Bill Hayton của BBC, những ứng cử viên phải được Đảng cộng sản thông qua,[95] sự kiểm soát này có nghĩa bất cứ ai mà quan điểm không được đảng Cộng sản chấp nhận sẽ không có cơ hội để ra ứng cử.

Đối với tổng tuyển cử, vì các ứng cử viên phải qua đến ba lần Hiệp thương tổng tuyển cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên có chỉ trích cho rằng đây chỉ là quá trình thanh lọc các ứng cử viên ngoài Đảng có tâm huyết.[96]

BBC trích lời ông Nguyễn Văn Yểu phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam: "Ở các nước khác có chế độ tranh cử, ở Việt Nam không có tranh cử mà là vận động bầu cử và theo quy định".[97] "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam với đại diện cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, theo điều 4 Hiến pháp 1992 là lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Theo BBC thì chính vì nhiều trường hợp chỉ có một ứng cử viên duy nhất, và người ứng cử viên đó đã thông qua một số thử thách, khảo nghiệm, giám sát, chất vấn từ các thành viên Quốc hội, cũng như trong những quá trình làm việc họ đã gây được uy tín và tạo được sự tin tưởng của Quốc hội rằng họ có khả năng làm việc hiệu quả, nên số phiếu tán thành thường rất cao, hầu hết trên 90%.

BBC còn cho rằng nhân sự cấp cao ở Việt Nam với các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội thường đã được Đảng Cộng sản lựa chọn trước thông qua một quá trình khảo nghiệm, giám sát, xem xét cách làm việc, và dựa trên ý kiến chung, việc đưa ra để Quốc hội bầu cử mang nặng tính hình thức hơn là một cuộc bầu cử thật sự.[98]

Họ nhận định bầu cử ở Việt Nam thực chất là bỏ phiếu tín nhiệm, vì các chức vụ đều do Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ định trước dựa trên ý kiến của mọi người và thông qua quá trình giám sát khả năng làm việc của các nhân vật.

Một số ý kiến của các nhà nghiên cứu

Một số nhà nghiên cứu cho rằng,[99][100] dù có nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên, cùng với thời gian, thể chế bầu cử ở Việt Nam đã bộc lộ một số nhược điểm cơ bản như:

Quá nhấn mạnh về tính tập trung, thống nhất, biểu hiện cụ thể là số lượng đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân chủ yếu được bầu theo dự kiến, theo sự định hướng của lãnh đạo Đảng các cấp. Việc tuyệt đối hoá quan điểm của cấp uỷ trong việc lựa chọn các đại biểu của các tầng lớp nhân dân nhiều khi thể hiện được sự thống nhất, đảm bảo cơ cấu, nhưng thiếu toàn diện.

Trên thực tế, phương pháp này được thể hiện là bệnh hình thức, áp đặt cơ cấu thành phần đại biểu một cách bình quân, máy móc, xơ cứng, không phát huy được tính tích cực của quần chúng nhân dân trong việc lựa chọn người đại diện xứng đáng nhất cho mình. Vì thế, nhiều khi trong các cuộc bầu cử còn có biểu hiện mang tính phong trào, hình thức. Do đó, có nhiều đại biểu được bầu tuy đủ phẩm chất, tư cách nhưng lại không hẳn là đại biểu xứng đáng nhất của nhân dân. Trong tổng số 493 đại biểu được đắc cử ở kỳ họp Quốc hội khóa 12, 92% là đảng viên đảng cộng sản tức đảng cầm quyền.

Ở một số nơi, việc cố gắng thực hiện các dự kiến của cấp uỷ dẫn tới sự không thống nhất, đặc biệt là ở cơ sở. Có người được cấp uỷ giới thiệu nhưng cử tri không bầu, đại biểu có thể được cử tri bầu thì không được giới thiệu hoặc công nhận...Những đại biểu trúng cử theo cách như vậy rất khó làm việc với dân, mặt khác, lại gây mất lòng tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Ngoài ra, quá trình hiệp thương còn nặng về hợp thức hoá sự chỉ đạo định hướng từ cấp trên. Cử tri ở cơ sở bị rơi vào tình thế bị động, không được giới thiệu người mình tín nhiệm. Mặc dù pháp luật hiện nay có quy định cho người tự ứng cử, nhưng những quy định này cũng chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng và chưa đảm bảo rằng người tự ứng cử là người được nhân dân tín nhiệm (chưa có một số lượng nhất định chữ ký hợp pháp của cử tri ủng hộ, như ở nhiều nước).

Việc tự ứng cử, cho đến nay còn chưa được quy định chặt chẽ, thậm chí còn tùy tiện. Về chủ trương, thể chế và tâm lý xã hội vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho các cá nhân tự ứng cử. Cơ cấu cho đại biểu tự ứng cử rất thấp (khoảng 10% cho đại biểu Quốc hội lần thứ XII).

Và thể chế bầu cử ở Việt Nam, đặc biệt là những thay đổi từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI và vào Hội đồng nhân dân ba cấp năm 2004, đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, đã từng rút kinh nghiệm, nhưng Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội vẫn chưa có những điều chỉnh thích hợp, nhiều điểm chưa đáp ứng được sự chờ đợi của nhân dân, nhất là mâu thuẫn giữa cơ cấu và chất lượng, vấn đề "số dư tương đối lớn" và chuẩn mực "ít nhất từ hai chọn một", vấn đề tự ứng cử, tỉ lệ, chất lượng và tiêu chí giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách...

Trong điều kiện một Đảng cầm quyền như ở Việt Nam, việc không cho phép hoặc không khuyến khích đảng viên tự ứng cử là một hạn chế, đồng thời cũng làm thu hẹp khả năng lựa chọn của cử tri.

Việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú thường xuyên chưa phản ánh thực chất quyền dân chủ của nhân dân. vì cử tri còn thụ động, họ chỉ được bày tỏ tín nhiệm đối với những người đã có sẵn trong danh sách. Sự tín nhiệm này cũng chỉ mới so với tiêu chuẩn cần thiết (tư cách) của người đại biểu chứ chưa phải là người cử tri lựa chọn trong số những người tốt nhất, xứng đáng hơn giới thiệu ra ứng cử. Đại biểu, đặc biệt là đại biểu Quốc hội nếu mới chỉ nhận được sự "đảm bảo" tư cách của cử tri nơi công tác và nơi cư trú thường xuyên thì chưa đủ, còn phải có sự "đảm bảo" rộng rãi hơn.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân quy định danh sách ứng cử viên phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu, nhưng không nói rõ phải nhiều hơn số tối thiểu là bao nhiêu, nên chưa thực sự dân chủ và khoa học. Thông thường, số ứng cử viên chỉ nhiều hơn số đại biểu được bầu 1 đến 2 người vì vậy chưa tạo điều kiện cho cử tri trong việc lựa chọn.

Trong các cuộc bầu cử, còn thiếu các cuộc vận động tranh cử và cũng thiếu các chế định cho việc vận động tranh cử. Đại biểu đắc cử chủ yếu phụ thuộc vào định hướng của lãnh đạo, vào cơ cấu chứ không phải vì năng lực và chương trình hành động của họ được thể hiện qua vận động tranh cử.

Giáo sư Trịnh Duy Luận, một nhà xã hội học ở Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam nói điều có thật là một người đi bầu cho cả nhà chứng tỏ người dân Việt Nam không thiết tha gì đến quyền công dân của mình. Và nó chứng tỏ nhà nước Việt Nam không làm cho người dân hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của họ như thế nào. Dĩ nhiên, tất cả những nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đều tái đắc cử. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được số phiều bầu cao nhất trong những ứng cử viên với 99.1%.

Nhưng chính sự thiếu ủng hộ cho những ứng cử viên ngoài đảng và những ứng cử viên độc lập đã làm cho mọi người chú ý đến lần bầu cử kỳ này. Cuộc bầu cử quốc hội năm 1977, đã có ba ứng cử viên độc lập đắc cử. Năm năm trước có hai ứng cử viên viên độc lập đắc cử. Nhưng trong kỳ bầu cử khóa XII chỉ có một người tự ứng cử. (ở Nghệ An)[101] Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng cuộc bầu cử quá thiên vị cho những ứng cử viên của đảng đến nỗi đại chúng cử tri thấy chả có ích lợi gì để đi bầu.

Nhưng quốc hội gồm 500 đại biểu dùng để đánh giá những quyết định của chế độ cộng sản, giờ đây sẽ chỉ có một đại biểu duy nhất không là đảng viên hoặc là người không được đảng đề cử.[102]

Bên cạnh đó thì cơ chế tự ứng cử cũng có những nhược điểm nhất định như: những thủ tục, điều kiện tự ra ứng cử (ví dụ như phải thu thập chữ ký cử tri, phải đóng tiền…) chưa thật sự chặt chẽ. Tiêu chuẩn đại biểu còn chung chung, chưa định lượng một cách cụ thể nên cử tri cũng không hình dung được người mình bầu có đáp ứng được mong đợi của mình không. Còn người tự ứng cử cũng cứ nghĩ mình có điều kiện như vậy là làm đại biểu được. Quy định về vận động bầu cử chưa tạo điều kiện cho người được đề cử và cả người tự ứng cử có cơ hội bình đẳng như nhau trên các kênh thông tin truyền thông, rồi điều kiện để tiếp xúc, xâm nhập với thực tiễn, gần gũi với cử tri...[101]

Ông Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho rằng nếu "không có tranh cử, dân sẽ không có cơ hội lựa chọn cương lĩnh và nguyên thủ. Làm như lâu nay thì chưa thật dân chủ trong Đảng, cũng chưa thật dân chủ trong dân, còn mang nhiều tính hình thức, thụ động, dân ít quan tâm." Để giải quyết lỗi hệ thống này, ông An đưa ra giải pháp rằng "có thể có nhiều đồng chí đưa ra những cương lĩnh tranh cử khác nhau, dăm ba cương lĩnh chẳng hạn, sau đó trong Đảng lựa chọn ra hai ba cương lĩnh tranh cử để đưa ra dân lựa chọn, như sự tranh cử trong nội bộ một Đảng của các nước có đa đảng tham chính. Như vậy, dân sẽ có cơ hội lựa chọn cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh để trở thành cương lĩnh phát triển của đất nước và nguyên thủ quốc gia trong một nhiệm kỳ xác định...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bầu_cử_ở_Việt_Nam http://www.sbtn.net/default.aspx?LangID=0&tabId=19... http://vnexpress.net/gl/phap-luat/tu-van/2007/03/3... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2004/04/3b9d1df5/ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/0... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007... http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,333... http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,333... http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,333...